Mô tả
Ngày nay, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Đặc biệt là các sản phẩm từ thịt heo được tiêu thụ và sử dụng nhiều nhất trong mọi gia đình. Do đó, việc áp dụng sản xuất, chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là giải pháp giúp cho người nuôi heo tạo ra sản phẩm thịt an toàn và chất lượng, chủ động hơn trong khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, nâng cao đời sống.
Lợi ích của việc chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP
Việc áp dụng chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ mang lại cho nhà sản xuất, chăn nuôi những lợi ích cụ thể như:
Tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng.
Sản phẩm được công nhận theo tiêu chuẩn của VietGAP được đánh giá cao, rất dễ dàng lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với thực phẩm an toàn; bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ thực phẩm mất an toàn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định.
Tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối.
Tạo lập một ngành trồng trọt bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội.
Tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý…
Quy trình đạt chứng nhận VietGAP chăn nuôi
Để đảm bảo quy trình chăn nuôi heo đúng chuẩn theo tiêu chuẩn VietGAP chăn nuôi, người nuôi cần thực hiện theo quy trình và những yêu cầu sau:
1 – Điều kiện sản xuất
Chuồng trại
Vị trí xây dựng chuồng trại phải tách biệt với nơi ở và nguồn nước sinh hoạt của con người.
Chuồng nuôi phải được bao kín bởi tường hoặc hàng rào, có cổng ra vào riêng.
Có hố khử trùng tại cửa mỗi dãy chuồng nuôi hoặc bố trí phương tiện khử trùng ở cổng ra, vào.
Nơi nuôi cách ly, tân đáo phải nên tách biệt với chuồng nuôi chính.
Có kho dự trữ và bảo quản thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.
Khu xử lý chất thải
Tách biệt nước thải với chuồng nuôi chính.
Công suất của hệ thống xử lý chất thải phải tương xứng với quy mô đàn heo được nuôi.
Dụng cụ thiết bị
Có các dụng cụ, thiết bị dùng riêng cho chăn nuôi.
Đảm bảo các thiết bị chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ, thiết bị điện an toàn cho người sử dụng và vật nuôi.
Chỉ sử dụng thiết bị dùng cho chăn nuôi tại khu vực chăn nuôi, không dùng cho những mục đích khác.
Đảm bảo các thiết bị chiếu sáng, đèn chụp sưởi và các dụng cụ, thiết bị điện an toàn cho người sử dụng và vật nuôi.
2 – Giống và quản lý giống
Heo giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ theo quy định thú y.
Nuôi cách ly và ghi chép đầy đủ biểu hiện bệnh lý của heo giống mới nhập về trong quá trình cách ly.
Không nuôi lẫn các lứa heo khác nhau trong cùng ô chuồng và nuôi với các loài vật khác.
3 – Thức ăn và quản lý thức ăn
Thức ăn phải còn hạn sử dụng và có xuất xứ rõ ràng.
Tuân thủ các công thức phối trộn thức ăn đậm đặc cho heo.
Nguyên liệu phối trộn thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, không bị ôi thiu, nấm mốc, mối mọt.
Ghi chép đầy đủ thông tin về loại thức ăn, nguyên liệu thức ăn đã mua và sử dụng.
Không sử dụng các hóa chất, kháng sinh bị cấm trong thức ăn chăn nuôi theo văn bản của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Cần có nơi bảo quản riêng, các giá kê thức ăn và nguyên liệu cho chăn nuôi. Tránh đặt trực tiếp bao thức ăn xuống sàn nhà.
4 – Nước uống và hệ thống cấp thoát nước
Nguồn nước phải đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và đáp ứng đủ nhu cầu của từng loại heo.
Kiểm tra hệ thống cấp nước thường xuyên, đảm bảo hệ thống không bị ô nhiễm hay rò rỉ.
Không để nước thải, nước rửa chuồng chảy tràn từ ô chuồng này sang ô chuồng khác hoặc từ chuồng này sang chuồng khác và không được thải trực tiếp nước thải ra môi trường.
5 – Công tác thú y và vệ sinh thú y
Vệ sinh chuồng trại hằng ngày, thu gom chất thải rắn và lỏng.
Định kỳ phát quang bụi rậm và khai thông cống rãnh.
Khử trùng chuồng trại, các thiết bị và dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa heo vào nuôi và ngay sau khi chuyển đàn hoặc xuất bán.
Định kỳ phun thuốc khử trùng toàn bộ diện tích xung quanh chuồng nuôi.
6 – Kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi.
Người chăn nuôi phải có quần áo bảo hộ lao động sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi và định kỳ khử trùng quần áo bảo hộ lao động.
Tiêm phòng vật nuôi đầy đủ theo quy định của ngành thú y.
Tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc thú y của nhà sản xuất hoặc chỉ dẫn của bác sỹ thú y.
Không sử dụng các hóa chất (chất tạo nạc, chất kháng sinh…) nằm trong danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
7 – Xuất bán heo
Chỉ xuất bán heo khỏe mạnh, không bị bệnh và heo sau khi đã hết thời gian ngưng thuốc như quy định trên nhãn thuốc của nhà sản xuất.
Đảm bảo mật độ vận chuyển để hạn chế rủi ro, stress cho heo và tránh rơi vãi chất thải khi vận chuyển.
Các hộ áp dụng VietGAP cần thực hiện đeo thẻ tai nhận dạng hoặc xăm số cho heo để phục vụ cho truy xuất nguồn gốc.
8 – Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường
Thu gom chất thải rắn (phân, chất độn chuồng nếu có) hằng ngày và đưa đến nơi tập trung để xử lý.
Các chất thải rắn như kim tiêm, túi nhựa, đồ nhựa,…phải được thu gom và xử lý riêng.
Chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ chuồng nuôi tới hệ thống xử lý nước thải (biogas, bể lắng…) bằng đường thoát riêng.
Nước thải phải được xử lý an toàn trước khi xả ra môi trường.
9 – Ghi chép và lưu trữ hồ sơ
Phải có sổ ghi chép và ghi chép đầy đủ tất cả các hoạt động trong quá trình chăn nuôi.
Hệ thống sổ sách ghi chép của chủ hộ phải rõ ràng và cần được lưu giữ ít nhất là 01 năm kể từ ngày đàn heo được xuất bán hay chuyển đi nơi khác.